Lịch trình tour
Apro Travel chúng tôi mang đến khách hàng những tour du lịch mới và tốt nhất hiện nay.. Chúng tôi luôn đảm bảo sự tiện lợi an toàn cho du khách. Đưa du khách đến với giá trị thực sự của du lịch. Chúng tôi xin giới thiệu đến mọi người Tour Miền Tây miệt vườn Mekong 6 ngày . Nếu quý khách có nhu cầu xin liên hệ 093911900
Hà Nội – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau – Hà Tiên – Châu Đốc – Cần Thơ – Mỹ Tho – Bến Tre – Bình Dương – Sài Gòn – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau (170km) (Ăn Trưa, Tối )
Xe và HDV đón Quý khách tại điểm hẹn đưa ra sân bay Nội Bài đáp chuyến bay đi Cần Thơ lúc 7h30: (chuyến bay có thể thay đổi tùy vào ngày khởi hành)
Đến Cần Thơ, xe và HDV đón đoàn tại sân bay Cần Thơ đưa đi Cà Mau. Trên đường đi đoàn tham quan Sóc Trăng: Chùa Bửu Sơn (chùa Đất Sét) – Là ngôi chùa độc nhất vô nhị với hàng ngàn tượng lớn nhỏ bằng đất sét, cột chùa cũng bằng đất sét. Độc đáo hơn nơi đây còn có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng 1,4 tấn cháy suốt 100 năm; Chùa Kh’leang – Một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng có kiến trúc giống như các chùa ở Campuchia, nơi người Khmer thường lui tới chùa để cầu nguyện; Chùa Dơi (chùa Mã Tộc, chùa Ma-ha-tuc) – Được xây dựng cách đây khoảng 400 năm tại Sóc Trăng, chùa có hàng ngàn bảo vật quý gồm tượng Phật và tứ linh Long-Ly-Quy-Phụng đều được nặn từ đất sét.
12h30: Ăn trưa tại nhà hàng. Sau đó đoàn tiếp tục đi Bạc Liêu tham quan: Nhà công tử Bạc Liêu – nghe kể về gia đình nhà Hội Đồng Trạch và giai thoại đốt tiền của vị công tử Bạc Liêu một thời.
17h00: Đến Cà Mau. Nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi. Đoàn ăn tối tại nhà hàng, tự do khám phá Tp. Cà Mau về đêm.
Ngày 2: Cà Mau – Đất Mũi – Hà Tiên (200km) (Ăn Sáng, Trưa, Tối )
Quý khách ăn sáng tại khách sạn. Trả phòng. Xe và HDV đưa đoàn ra bến lên tàu cao tốc đi khám phá Đất Mũi Cà Mau qua địa danh Năm Căn, Đầm Cùng, Ngọc Hiển, Xóm Mũi… Quý khách sẽ cảm giác thú vị khi được thăm điểm DLST rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển. Đoàn tham quan cột mốc tọa độ Quốc gia, Mũi Cà Mau, Vọng Hải Đăng, tìm hiểu sự dịch chuyển ra biển hàng năm của đất mũi Cà Mau.
11h30: Đoàn ăn trưa tại nhà hàng Đất Mũi. Quay về Cà Mau. Khởi hành đi Hà Tiên.
18h00: Tới Hà Tiên. Đoàn nhận phòng. Ăn tối tại nhà hàng. Nghỉ đêm tại khách sạn.
Ngày 3: Hà Tiên – Châu Đốc (110km) (Ăn Sáng, Trưa, Tối)
Quý khách ăn sáng tại khách sạn. Trả phòng. Xe đưa quý khách đến Hòn Chông, tham quan Hang Cá Sấu – một điểm du lịch còn hoang sơ ở Hà Tiên, Chùa Hang – hòn Phụ Tử: Chùa Hang nằm trong một hang đá sâu độ vài chục mét, cửa chùa quay vào đất liền. Chùa này có tên chữ là Hải Sơn Tự. Nhà thờ, lăng mộ dòng họ Mạc Cửu – người có công khai phá vùng đất Hà Tiên. Lăng và đền thờ Mạc Cửu được xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Chùa Phù Dung – Là một trong những danh lam cổ tự của miền đất Hà Tiên hiền hòa thơ mộng. Chùa Phù Dung không chỉ điểm tô cho non nước cõi biên thùy nét uy nghiêm trầm mặc của một ngôi già lam mà còn làm say lòng du khách bởi phát tích câu chuyện tình diễm lệ của ngài Tổng trấn và “nàng Ái cơ trong chậu úp”. Tham quan Thạch Động – nơi gắng liền với truyền thuyết oai hùng, là một trong số các hang động đẹp nhất Hà Tiên. Tương truyền, đây là nơi Thạch Sanh cứu công chúa Quỳnh Nga. Động sâu, nhiều thạch nhũ tuyệt đẹp, luôn hắt ra các tia sáng huyền hoặc như trong những truyện phim kỳ bí.
12h00: Ăn trưa tại nhà hàng. Đoàn khởi hành đi Châu Đốc. Nhận phòng, nghỉ ngơi.
Quý khách tham quan tp Châu Đôc với: Miếu Bà Chúa Xứ – là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc; Chùa cổ Tây An – Nằm ở chân núi Sam, Chùa do một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng (1820) là Tổng đốc Nguyễn Nhật An xây dựng theo lời nguyện của ông khi được triều Châu Đốc đình phái đi Cao Miên. Lăng Thoại Ngọc Hầu – còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam. Đây là một công trình bề thế, tuyệt mỹ, mang ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cao.
Ăn tối và nghỉ đêm tại Châu Đốc.
Ngày 4: Châu Đốc – Cần Thơ (120km) (Ăn Sáng, Trưa, Tối )
Quý khách ăn sáng tại khách sạn. Trả phòng. HDV đưa đoàn đi tham quan: Rừng Tràm Trà Sư – một khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu với diện tích gần 850ha, là nơi trú ngụ và sinh tồn của hàng trăm loại động thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Đến Đây Quý khách được nghe thuyết minh và giới thiệu tổng quát về rừng tràm; được lên Tắc Ráng len lỏi theo con rạch qua lung Sen vào rừng tràm; được lên xuồng ba lá chèo qua các con rạch ngắm khu rừng Giống và các loài chim như: Le Le, Trích Cồ, Cò, Bìm Bịp, Gà Nước…
Ăn trưa tại nhà hàng. Sau bữa trưa đoàn khởi hành về Cần Thơ.
17h30: Tới Cần Thơ. Nhận phòng. Ăn tối tại nhà hàng. Quý khách tự do khám phá Cần Thơ về đêm.
Ngày 5: Cần Thơ – Mỹ Tho – Bến Tre – Sài Gòn (180km) (Ăn Sáng, Trưa, Tối )
Ăn sáng tại khách sạn, trả phòng. HDV đưa đoàn đi thăm Chợ Nổi Cái Răng – một trong những khu chợ nổi lớn nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Quý khách được tìm hiểu nét văn hóa trên sông rất đặc thù của người Nam Bộ theo các món hàng trên cây chèo bẻo, treo đầu ghe.
Đoàn tiếp tục khởi hành đi Mỹ Tho. Quý khách làm thủ tục lên thuyền đi dọc sông Tiền ngắm cảnh hai bên bờ sông với làng nuôi cá bè và 4 cù lao Long, Lân, Quy, Phụng. Cồn Thới Sơn – Quý khách tham quan vườn cây ăn trái cây Nam bộ, thưởng thức trái cây ngũ quả và những cốc nước trà mát lạnh, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ giao lưu văn nghệ miệt vườn , tham quan các cơ sở sản xuất kẹo dừa, lò nấu rượu, trại nuôi ong lấy mật của dân địa phương, quý khách có thể vừa thưởng thức kẹo dừa đặc sản, uống trà mật ong đồng thời mua về làm quà cho người thân. Quý khách có thể tản bộ hay đi xe ngựa khám phá đời sống giản dị của người dân cù lao và ghé tham quan một ngôi nhà xưa tiêu biểu của kiến trúc Nam Bộ.
Quý khách tiếp tục hành trình xuống ghe nhỏ luồng lách theo những kênh rạch. Sau khi ăn trưa, HDV đưa đoàn tiếp tục tham quan: Cồn Phụng – khu di tích Đạo Dừa hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam với sân 9 con rồng, tháp Hoà bình – cửu trùng đài, nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo.
Xe đưa đoàn đi tham quan Trại Rắn Đồng Tâm – một trung tâm nuôi rắn lớn nhất và chữa trị rắn cắn cho bà con khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây từ lâu đã trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
16h00: Xe đón đoàn đưa về Sài Gòn.
18h00: Quý khách có mặt tại Sài Gòn. Về khách sạn nhận phòng và ăn tối tại nhà hàng. Buổi tối đoàn tự do dạo phố, chợ đêm. Nghỉ đêm tại khách sạn.
Ngày 6: Sài Gòn – KDL Đại Nam – Hà Nội (Ăn Sáng, Trưa)
Quý khách ăn sáng tại khách sạn. Trả phòng. Đoàn khởi hành đi tham quan Khu DL Đại Nam – Quý khách tự do tham quan Lạc cảnh Đại Nam, thăm toàn cảnh Đại Nam với kiến trúc Vạn Lý Trường Thành, mô hình Sài Gòn thu nhỏ. Ăn trưa tại nhà hàng.
HDV đưa đoàn về lại Sài Gòn ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục lên máy bay về Hà Nội. Xe đón đoàn về lại điểm hẹn ban đầu. Chia tay Quý khách, kết thúc chương trình.
Giá tour tham khảo
Giá trọn gói tạm tính cho đoàn trên 15 khách: 12.380.000đ/khách
Quý khách có yêu cầu riêng, vui lòng liên hệ để có báo giá chính xác và ưu đãi nhất.
Giá tour cho trẻ em:
- Trẻ em dưới 2 tuổi: chỉ tính tiền vé máy bay, bé ngủ chung giường với bố mẹ, gia đình tự lo cho bé ăn và tự trả phí tham quan (nếu có).
- Trẻ em từ 2 đến dưới 5 tuổi (Cao dưới 1,1m): ngủ chung giường với bố mẹ; ăn uống tham quan. Giá tour tính 50% chi phí người lớn; vé máy bay tính 75% giá vé người lớn theo quy định của Vietnam Airlines. Nhưng số lượng trẻ em không quá 20% tổng số thành viên trong đoàn/nhóm.
- Trẻ em từ 5 đến dưới 11 tuổi: ngủ chung giường cùng bố mẹ, chi phí ăn uống thăm quan như người lớn, vé máy bay 75% giá vé người lớn, nhưng số lượng trẻ em đi cùng không quá 20% tổng số thành viên trong đoàn/nhóm
Giá vé máy bay/vé tàu trong tour (nếu có) là giá trung bình để quý khách tham khảo, trong 1 số trường hợp có thể cao hoặc thấp hơn tùy theo mùa du lịch, dịp khuyến mãi hay thời gian đặt vé. Đặc biệt với các hãng hàng không giá rẻ chúng tôi có thể mua được giá thấp nếu thời gian đặt vé sớm.
Giá tour bao gồm
- Vé máy bay khứ hồi HAN – Cần Thơ và SGN – HAN của Vietnam Airlines
- Xe vận chuyển đời mới theo chương trình; xe đón/tiễn sân bay Nội Bài.
- Phòng khách sạn đầy đủ tiện nghi tiêu chuẩn 2-3 sao (02 khách/phòng, trường hợp lẻ nam/nữ nghỉ 3 khách/phòng)
- Tại Cà Mau: Ánh Nguyệt 3* hoặc tương đương
- Tại Hà Tiên: Hà Tiên 2* hoặc tương đương
- Tại Châu Đốc: Bến Đá Núi Sam 3* hoặc tương đương
- Tại Cần Thơ: Ninh Kiều 3* hoặc tương đương
- Tại Sài Gòn: Asian Ruby 4-3* hoặc tương đương
- Ăn uống các bữa theo chương trình: 5 bữa sáng; 6 bữa trưa; 5 bữa tối.
- Mức ăn chính: 120,000đ/khách/bữa. Riêng tại Sài Gòn: 150,000đ/khách/bữa
- Mức ăn phụ: Ăn sáng buffet/set tại khách sạn.
- Hướng dẫn viên nhiệt tình, kinh nghiệm tiễn, đón sân bay Nội Bài; đón tại Sài Gòn đưa đi suốt tuyến theo chương trình.
- Bảo hiểm du lịch (mức chi trả tối đa 20.000.000đ/vụ)
- Cano tham quan Đất Mũi Cà Mau
- Tàu tham quan chợ Nổi Cái Răng, đò thăm Bến Tre, đò Rừng Tràm Trà Sư.
- Phí thắng cảnh các điểm vào cửa 1 lần các điểm có trong chương trình.
- Nước uống 2 chai/khách/ngày.
- Quà tặng: Mũ du lịch
Không bao gồm
- Phụ phí nghỉ phòng đơn,
- Đồ uống, chi phí cá nhân và chi phí khác không có trong chương trình
- Thuế VAT
Thông tin thêm
Du lịch miền tây Nam bộ.
Vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc được mệnh danh là thiên đường du lịch với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ, cây trái xum xuê, con người mộc mạc, giản dị nhưng giàu tình cảm…
Miền Tây (hay đồng bằng sông Cửu Long) là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông có vị trí nằm liền kề với vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông. Dân cư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đa số là người Kinh. Khu vực này trước đây từng là một phần của đế quốc Khmer, do đó là vùng tập trung người Khmer nhiều nhất. Người Khmer sống chủ yếu ở Trà Vinh, Sóc Trăng và người Chăm theo đạo Hồi sống ở An Giang. Một lượng trung bình người Hoa sống ở Kiên Giang và Trà Vinh.
Đây là vùng có khí hậu cận xích đạo nắng lắm mưa nhiều nên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp đặc biệt là phát triển trồng lúa nước, cây lương thực và cây ăn quả.
Đến với du lịch miền Tây là đến du lịch các miệt vườn, đến với các vùng sông nước đặc trưng và các di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh tự nhiên. Bạn sẽ đắm chìm trong các cảnh đẹp, các lễ hội hằng năm, các vườn cây trái sum suê, được ngắm các loài chim quý hiếm hay thả mình du lịch trên ghe xuồng đặc trưng nơi đây, thưởng thức cái không khí tĩnh lặng yên bình mà thoáng mát, ngắm nhìn những cánh đồng lúa bát ngát mây trời. Nếu đi sâu hơn vào các miệt vườn, bạn còn có cơ hội được thưởng thức đa dạng và phong phú các loại cây trái tươi ngon nổi tiếng như sầu riêng, thanh long, bưởi Năm Roi, quýt Cái Bè, cam sành Vĩnh Long, dừa sáp Cầu Kè, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn… Đặc biệt là gặp gỡ, trò chuyện với con người miền Tây, những con người vốn nổi tiếng thân thiện, hiền lành, chất phác và giàu lòng hiếu khách…
Cần Thơ
Chợ nổi Cái Răng: là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm, ăn uống và là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ. Chợ nổi Cái Răng họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng đến 8 – 9h thì vãn nếu muốn tham quan các bạn nên đi vào thời gian khoảng 7 – 8h là tốt nhất vì lúc này chợ hoạt động đông nhất.
Vườn cò Bằng Lăng: Vườn cò Bằng Lăng – một trong những sân chim lớn nhất của miền Tây. Trên đường từ Cần Thơ về thành phố Long Xuyên (An Giang), qua khỏi thị trấn Thốt Nốt chừng 5km là đến vườn cò Bằng Lăng. Đi dọc theo bờ sông nhỏ, dưới những hàng cây rợp bóng bạn có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con cò (cò trắng, cò xám, cò ma, cồng cộc) chao cánh và sà xuống những cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn… Phần lớn các loài cò trên tập trung đông đúc về vườn vào mùa sinh đẻ từ tháng 8 đến tháng giêng âm lịch hằng năm, riêng cò ma chúng tập chung về vườn làm tổ và đẻ trứng từ tháng hai đến tháng tư âm lịch. Thời gian tham quan thích hợp nhất là lúc 6h-7h sáng từng đàn cò rời khỏi những ngọn cây bay trắng cả một vùng tỏa đi khắp nơi và đến chiều khoảng 17h-18h chúng lại bay về tổ làm xáo động cả khu vườn.
Nhà cổ Bình Thủy: Ngôi nhà cổ 5 gian 2 mái này được gia đình họ Dương xây dựng theo kiến trúc Pháp đến nay gần 150 năm, đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ, xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp, cặp đèn treo thế kỷ XIX cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3 mét của Pháp….Đây là một công trình kiến trúc có giá trị dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh, nhất là sự xâm hại của thời gian, phủ thờ họ Dương đã may mắn còn tồn tại tới ngày nay và được các thế hệ nối tiếp, chăm sóc và giữ gìn cẩn thận.
Chùa Ông: đây là một ngôi chùa của người Việt gốc Hoa tại Cần Thơ, và là một di tích lịch sử cấp quốc gia kể từ năm 1993. Mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng những hàng ngói ống men xanh thẫm, trên bờ nóc có vô số hình nhân đủ màu bằng gốm sứ, lưỡng long chầu nguyệt, cá hoá long, chim phụng, ở hai đầu đao là hai tượng người cầm mặt trời, mặt trăng. Trong chùa thờ Quan Công, một vị tướng thời Tam Quốc, tấm gương về lòng trung hiếu tiết nghĩa và các vị Quan Âm Nam Hải, Thái Bạch tinh quân, Thổ Địa, Đổng Vĩnh…
Chùa Nam Nhã: tọa lạc ở số 612, đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc thành phố Cần Thơ. Chùa Nam Nhã đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991. Trong chính điện có bàn thờ sư cụ Giác Nguyên, Lịch Đại Tổ sư, bàn thờ Tam giáo với ba pho tượng bằng đồng là tượng Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử và tượng Lão Tử. Hai bên chính điện là hai ngôi nhà 5 gian dành cho phái nam và phái nữ ở. Phía sau là khu vườn mộ, nơi yên nghỉ của những người tham gia phong trào Đông Du và xây dựng chùa. Đến đây bạn không chỉ thưởng thức vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm của chùa, mà còn có thể tìm hiểu những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước phong trào Đông Du, đặc ủy Hậu Giang, xứ ủy Nam Kỳ trong những năm đầu khó khăn gian khổ của cách mạng Việt Nam.
Bến Ninh Kiều: Bến Ninh Kiều là một địa danh du lịch có từ lâu và hấp dẫn du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình và vị trí thuận lợi nhìn ra dòng sông Hậu. Từ lâu bến Ninh Kiều đã trở thành biểu tượng về nét đẹp thơ mộng bên bờ sông Hậu của cả thành phố Cần Thơ, thu hút nhiều du khách đến tham quan và đi vào thơ ca. Mỗi ngày du thuyền Ninh Kiều, một nhà hàng nổi trên sông, xuất phát lúc 19h tối tại bến, hoạt động đến 21h tối, đưa khách thưởng ngoạn trên sông và xem những tiết mục văn nghệ như cải lương hay đờn ca tài tử đặc sắc.
Kiên Giang
Đảo Phú Quốc: Được mệnh danh là Đảo Ngọc tuyệt đẹp, Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, nguồn tài nguyên biển, rừng vô cùng phong phú và các bãi tắm cát trắng mịn màng trải dài đã tạo nên một Phú Quốc đặc biệt hấp dẫn, một điểm đến tuyệt vời cho một kỳ nghỉ, thư giãn, đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên, hoặc bơi trong biển xanh thẳm. Có những bãi biển tuyệt đẹp với làn nước trong xanh và cát trắng trải dài xung quanh đảo Phú Quốc như Bãi Trường và bãi Kem…
Quần đảo An Thới với 12 hòn đảo nhỏ to khác nhau ở phía Nam hay hòn Móng Tay, hòn Đồi Mồi, hòn Thầy Bói ở phía Bắc, giáp Campuchia là những hòn đảo còn giữ nguyên nét hoang sơ với bãi cát trắng sẽ là những nơi lý tưởng cho cắm trại, dã ngoại và khám phá…
Khu bảo tồn sinh thái suối Đá Ngọn nằm dưới hạ nguồn các con suối bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh, là nơi lý tưởng cho hoạt động dã ngoại, leo núi, khám phá rừng nguyên sinh và tắm suối.Bắc đảo Phú Quốc là vùng đất trù phú với dãy rừng nguyên sinh và hệ động thực vật phong phú.
Khu Bắc đảo Phú Quốc với vườn tiêu Khu Tượng,kKhu bảo tồn sinh thái Gành Dầu, đền thờ Nguyễn Trung Trực, mũi Gành Dầu (hải giới với Campuchia).
Nhà thùng sản xuất nước mắm: Tìm hiểu phương pháp ủ cá truyền thống để tạo ra hương vị đậm đà của nước mắm Phú Quốc nổi tiếng.
Khu Nam đảo Phú Quốc gồm: khu Cội Nguồn, khu nuôi cấy ngọc trai Nhật Bản, di tích lịch sử Lao Phú Quốc, Bãi Sao, di tích Giếng Ngự…
Mũi Nai – Hà Tiên: Xa xưa, gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy (Pù là núi, Nạy là lớn) mà người khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Lớp người Việt đến sau bắt chước đọc âm này thành Nai. Đây là một trong “thập cảnh Hà Tiên” hiếm hoi còn tồn tại đến ngày nay, sau 300 năm lịch sử. Bãi tắm Mũi Nai không rộng, cát không trắng nhưng lại êm đềm và thoai thoải, sóng không to, khí hậu ôn hoà, quanh năm mát mẻ. Cát biển Mũi Nai màu nâu sậm. Theo người dân địa phương, màu nâu này là do cát biển nơi đây chứa rất nhiều bùn, rất tốt cho da của bạn.
Núi Đá Dựng – Hà Tiên: Căn cứ theo “Hà Tiên thập vịnh” và “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” của Tao đàn Chiêu Anh, núi Đá Dựng có tên gọi là Châu Nham Lạc Lộ có nghĩa là “cò về núi Ngọc”. Gọi là Châu Nham (núi Ngọc) vì trong núi có các loại thạch nhũ tinh quang lấp lánh như kim cương với nhiều màu sắc đẹp tựa châu ngọc, “Nham” là núi cao có nhiều hang hốc, “Lạc” là rơi rụng la đà, “Lộ” là loài chim lông trắng thường sống chỗ ao đầm. “Châu Nham Lạc Lộ” là cảnh đàn cò trắng bay về núi Ngọc. Cách thị xã Hà Tiên 6 km và Thạch Động 2 km về hướng Tây Bắc, núi Đá Dựng có hình thang cân, cao khoảng 100 m. Gọi là “Đá Dựng” có lẽ do vách đá dựng đứng, bên trong có nhiều ngõ ngách, hang động. Mỗi hang gắn liền với một truyền thuyết, một sự tích vừa thật vừa ảo. Hang Bồng Lai không khí trong lành, từ hang này ngước nhìn lên vòm núi thấy mây bay gió thổi như cảnh tiên. Hang Trống Ngực, khi ta vỗ tay lên ngực sẽ nghe tiếng thùm thùm như tiếng trống. Còn hang Lầu Chuông thì có nhiều thạch nhũ, tạo nên tiếng ngân như tiếng chuông khi ta gõ tay vào. Hang Kim Quy có một khối đá thạch nhũ giống con rùa. Hang Khổ Qua với những khối thạch nhũ treo lủng lẳng như những trái khổ qua. Hang Sám Hối có một bức tượng đá to lớn như dáng hình một nhà sư khoác áo cà sa, quay đầu vào vách đá suy tư. Hang Cội Hàng Da với truyền thuyết liên quan đến Thạch Sanh. Kể rằng đây là nơi sinh sống của Thạch Sanh, từ nơi đâyThạch Sanh đã giương cung bắn đại bàng đang cắp nàng công chúa bay ngang qua…
Chùa Hang – Hà Tiên: Chùa Hang nằm trong ruột núi đá thâm u, mờ ảo, có tên chữ là Hải Sơn Tự. Người ta kể rằng: “công chúa Ngọc Tuyền là em gái chúa Nguyễn Ánh, đã mất tại đây. Đê tưởng nhớ người em gái của mình, Nguyễn Ánh cho xây chùa trong hang núi để thờ phụng nên gọi là chùa Hang”.Hải Sơn nằm sát bờ, ngọn cao chót vót, vách dựng đứng, sừng sững như một hải vọng đài, chân núi quanh năm được sóng biển vỗ về. Trước sân chùa hang thờ Phật Di Lặc được tạc bằng đá Non Nước nặng tới 22 tấn. Có nhiều cây cổ thụ đứng ở lưng chừng núi, rủ xuống không gian những chùm rễ dài lơ lửng. Chính điện Chùa Hang nằm gọn trong lòng núi với một động đá vôi hai cửa chạy thẳng theo trục Đông Bắc –Tây Nam dài hơn 50 mét, cửa động sau nhìn ra biển. Trong động có nhiều thạch nhũ muôn hình, muôn vẻ. Nếu gõ vào các thạch nhũ âm “thanh ngân lên như tiếng chuông vì vậy người ta gọi là đá chuông. Trong động còn có Hang Kim Cương, tương truyền có “đường lên trời”. Hang Phật Ngủ nửa tối nửa sáng với tảng đá hình Phật nằm dài. Động sâu thăm thẳm, những tượng Phật ẩn hiện trong hang tạo cảm giác tôn nghiêm huyền bí. Từ chính điện có đường hang thông ra bờ biển, từ đây sẽ nhìn thấy Hòn Phụ Tử. Lễ hội chùa Hang kéo dài từ ngày mùng 8 đến ngày 15 tháng 4 âm lịch.
Hòn Phu Tử – Hà Tiên: Theo truyền thuyết, xưa kia ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Bên chân ngọn An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con làm nghề chài lưới. Quá bất bình trước tình cảnh này, người cha quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con. Sau khi tính hết kế, cuối cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng này. Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến cắn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu liền ôm lấy khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm qua khiến người con trúng độc rồi chết. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con, người ta gọi là hòn Phụ Tử.
Hai bên hòn Phụ Tử là hai hòn đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển và một con rùa. Vào năm 2006, phần Phụ của hòn Phụ Tử đã đột ngột gãy xuống biển, phần còn lại chỉ còn khoảng trên 13m. Hòn Phụ Tử giờ chỉ còn lại phần hòn Tử.
Quần đảo Nam Du: Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 52 hải lý về phía tây. Để đến với quần đảo có diện tích 40 km2 và hội tụ 21 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau này, bạn phải mất đến 5 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển. Từ Rạch Giá, các bạn đón những chuyến tàu cao tốc đến Nam Du. Sau gần 3 tiếng chạy tàu, bạn sẽ đặt chân lên hòn Lớn với không gian xanh ngắt một màu nối liền trời biển. Hòn Lớn là hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Nam Du, nay thuộc xã An Sơn, nhưng xưa nay bà con quen gọi là hòn Củ Tron. Tại đây du khách có thể tham quan nhiều thắng cảnh nổi tiếng như bãi Chệt, bãi Cỏ, bãi Ngự, bãi Giếng…, hay leo núi tham quan ngọn hải đăng, con “mắt biển” canh giữ cho vùng trời Tây Nam. Từ độ cao 309m, phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh sẽ thấy quần đảo giống như một tuyệt tác của thiên nhiên, xa xa là hòn Dầu, hòn Ông, hòn Ngang, hòn Mấu… tạo thành một vùng non nước hữu tình. Cũng vì thế mà nhiều du khách khi tới đây đã gọi nơi đây là Hạ Long phương Nam…
Vườn Quốc gia U Minh Thượng: Từ ngã ba Rạch Giá, rẽ qua Tắc Cậu, đi khoảng 20km nữa là đến vùng đệm rừng U Minh Thượng. Với đặc điểm rừng cực đỉnh nguyên sinh gồm các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã trở thành Vườn di sản ASEAN (8/2013) với diện tích rộng hơn 21.000ha, lối vào vùng lõi rộng hơn 8.000ha đã được trải nhựa rất đẹp. Đi du lịch khám phá rừng ở U Minh Thượng tiện nhất là đi trên xuồng máy, để ngắm được toàn bộ cảnh sắc hai bên đường là những rặng rừng tràm xanh mướt mắt. Hiện Vườn quốc gia U Minh Thượng đang có 2 tuyến du lịch phục vụ du khách: tuyến thăm tràm chim và tuyến thăm đầm dơi. Phương tiện đi lại để đi hai tuyến này là thuyền máy. Bên cạnh đó du khách cũng có thể thăm quan Hồ Hoa Mai, ngắm Vườn quốc gia U Minh Thượng từ chòi canh, thưởng thức các món ăn đồng quê tại căng tin của Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Hòn Tre: Cách thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang gần 30km về phía tây, đảo Hòn Tre như một con rùa khổng lồ nổi giữa biển khơi. Hòn Tre có tổng diện tích tự nhiên 428,59 ha, địa hình dốc, chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình hơn 30 m. Trên đảo có hai ngọn núi: ngọn cao phía nam và ngọn thấp phía bắc. Hai ngọn núi này tạo cho đảo có hình dáng giống như một con rùa nổi giữa biển khơi nên người dân nơi đây còn gọi hòn đảo này là đảo Rùa.
Trên đảo có những bãi đá trải dài tạo thành cảnh quan thiên nhiên khá hoang sơ như Bãi Chén, Động Dừa, Bãi Dứa (Đuôi Hà Bá), Hòn Đá Bà Già (còn gọi là Đá Bia)…
Bãi Chén nằm ở phía tây bắc của đảo, có chiều dài 2 km, có rất nhiều tảng đá to nhìn như những chiếc chén (bát) úp nên có tên là Bãi Chén. Đây được coi là bãi đẹp nhất của hòn Tre, cảnh vật còn giữ được những nét hoang sơ, có nhiều cây xanh tạo bóng mát. Tại đây các bạn có thể thưởng thức các đặc sản biển và ngắm cảnh thiên nhiên.
Động Dừa là một vịnh nhỏ với rất nhiều dừa mọc ven biển, có làng chài nên ghe thường ghé về để lấy lương thực, nước ngọt và nghỉ ngơi sau những chuyến đi biển xa. Tại đây cũng có một bãi biển đẹp với nhiều ghềnh đá nhấp nhô.
Đuôi Hà Bá (Bãi Dứa – nơi có nhiều cây dứa gai) có nhiều cây cổ thụ lớn, tới đây, các bạn có thể ngắm cảnh thiên nhiên, và còn có thể lặn xuống biển cạy hào bám ở ghềnh đá để thưởng thức.
Lăng tẩm họ Mạc – chùa Phù Dung: Từ mé Kim Dữ đi về hướng tây vài km là đến núi Lăng tức Bình San. Họ Mạc đặt tên là “Bình san điệp thuý”. Trên núi Lăng có lăng mộ họ Mạc, hiện nay còn khoảng hơn 40 ngôi, có bia đá. Ngôi mộ Mạc Cửu quy mô hơn cả, chiếm địa thế cao nhất. Trước lăng có tượng Mạc Cửu mặc nhung phục, tay cầm kiếm đứng trên một bệ cao oai phong lẫm liệt. Dưới chân núi Lăng có đền thờ họ Mạc, lúc nào cũng mở cửa để khách thập phương đến chiêm bái.Từ lăng tẩm họ Mạc, du khách có thể đến thăm chùa Phù Dung gần đó. Chùa do Mạc Thiên Tích xây để cho bà vợ thứ tu hành. Còn một ngôi chùa khác mang tên Tam Bảo do Mạc Cửu xây để cho mẹ già tu niệm cùng với hai quả đại hồng chung ngân vang, được họ Mạc đặt tên là “Tiêu tự thần chung”.
Khu bảo tồn san hô (thuộc quần đảo An Thới): Quần đảo An Thới nằm trải dài phía Nam đảo Phú Quốc và hòn đảo gần nhất chỉ cách cảng An Thới trên mười phút ngồi tàu. Biển ở đây trong xanh và sâu, có nơi đến 30 mét. Ở hòn Thơm, hòn Rỏi… rải rác đó đây là những bãi san hô lộng lẫy. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú khi tham quan các hòn đảo, lội bộ trên triền cát, tắm biển, ngắm san hô. Người có máu mạo hiểm thì vạch cây, trèo đá chinh phục các dốc núi. Cách hòn Thơm trên mười phút đi tàu, du khách có thể ghé thăm làng câu mực. Ở đó, cứ đêm xuống, những ngư dân lại tụ về câu mực…
Hang động MoSo: Núi Moso hình vành khăn, giữa có một thung lũng nhỏ rộng khoảng 2000m2, cây cối tốt tươi và có nhiều khỉ. Trong lòng hang động của Mo So có những con suối ngầm chảy lượn lờ, len lỏi qua những cột thạch nhũ hình thù kỳ dị… Về thăm Moso, sau khi len lỏi trong lòng hang động, bạn có thể nghỉ chân, tận hưởng không khí yên tĩnh trong thung lũng, giữa lòng núi, ngẩng đầu nhìn những cánh chim chấp chới bay về hướng biển…
An Giang
Rừng tràm Trà Sư: Rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.Có 2 con đường để có thể đến Trà Sư. Con đường thứ nhất chúng ta có thể đi từ Long Xuyên, đến Tri Tôn, qua Nhà Bàng rồi ngược đường về Châu Đốc trên tỉnh lộ 948 qua cầu Trà Sư đến Km6 chúng ta rẽ phải chạy thêm 3,5 km là tới rừng tràm Trà Sư. Con đường thứ hai chúng ta có thể đi là đến Châu Đốc, trên tỉnh lộ 948 về Nhà Bàng, qua cầu Tha La, đến KM6 chúng ta rẽ trái chạy chạy thêm 3,5 km là đến nơi.Mùa nước nổi (tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm) là quãng thời gian thích hợp nhất để đến với rừng tràm. Du khách đi thuyền xuyên rừng sẽ được ngắm cánh rừng tràm biếc xanh bạt ngàn mênh mông, nở đầy những bông hoa tràm trắng tinh, những cây thủy liễu mềm mại trong làn nước, những chiếc lá lấm tấm màu tím, những khóm bông điên điển vàng rập rờn hay những thảm bèo tai tượng ôm kín các gốc tràm mọc san sát nhau như trải một lớp thảm xanh trên mặt nước. Khung cảnh ở rừng tràm vào lúc chiều tà còn hấp dẫn và lý thú hơn rất nhiều, khi ánh nắng bắt đầu nhạt dần thì đó chính là lúc những đàn chim rủ nhau lũ lượt bay về tổ. Chúng xuất hiện dày đặc trong khu rừng, tiếng líu lo, ríu rít làm xao động cả khu rừng. Từ tháp canh đầu rừng (một điểm tham quan trong vé), du khách có thể nhìn bao quát khung cảnh chung quanh rừng, mang đến cho du khách những khung ảnh cực đẹp về cảnh quang thiên nhiên toàn cảnh khu rừng Trà Sư….
Khu du lich hồ Ông Thoại: còn có tên Hồ Thoại Sơn, là hồ nhân tạo lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Việt Nam, được hình thành do quá trình dài khai thác đá. Hồ ở tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 26 km. Tên hồ được đặt ra nhằm tưởng nhớ công lao khai phá vùng đất An Giang và đào kênh Thoại Hà của Thoại Ngọc Hầu, một trong những công trình được lưu danh lịch sử thời khai khẩn đất phương Nam. Cụm du lịch còn có các điểm tham quan: Chùa Linh Sơn (Linh Sơn cổ tự) nằm phía Bắc chân núi Ba Thê, Thạch Đại Đao, một tảng đá hình thanh đao lớn. Tương truyền, sau khi xảy ra một trận cuồng phong sấm sét, đá vỡ ra lộ hình một thanh đao lớn. Về sau, người ta đã xây một tháp để bảo vệ thanh đao khỏi mưa nắng và tạo điều kiện cho nhân dân tới chiêm ngưỡng.
Công trình mô hình linga, mô hình linga lớn nhất Việt Nam, nơi trưng bày các cổ vật khai quật từ di chỉ Óc Eo. Khu Đá Nổi với những hòn đá xếp chồng kỳ dị trên núi Chóc.
Khu du lịch núi Cô Tô – hồ Soài So: Hồ Soài So được biết đến là một kiệt tác thiên nhiên khá nổi tiếng nằm dưới chân núi Cô Tô (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn). Hiện nay, hồ đã được cải tạo, sửa chữa lại theo hướng xây dựng bờ kè vững chắc xung quanh cùng hệ thống cống xả để tích nước và điều tiết nước vào từng thời điểm thích hợp. Nhờ có hồ Soài So mà khí hậu trong vùng luôn mát mẻ, kể cả vào mùa khô. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp Khu Du lịch Soài So – Suối Vàng thu hút khách quanh năm. Dọc theo chân núi gần hồ còn có nhiều chùa, miếu đã làm tăng thêm sự tôn nghiêm, tĩnh lặng. Tuy nhiên, các bạn nên kết hợp tham quan cả núi Cô Tô và hồ Xoài So
Núi Cấm – Núi Két – Chợ Tịnh Biên (cửa khẩu Tịnh Biên): Núi Cấm nơi du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang, vì núi có dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có các danh lam và danh thắng, như: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm…Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên. Chợ Tịnh Biên là chợ biên giới vùng Bảy Núi, có vị trí địa lý thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa giữa Việt Nam với nước bạn Campuchia, Thái Lan…và là nơi bán một số các mặt hàng miễn thuế.
Châu Đốc – An Giang: miếu bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Huỳnh Đạo, núi Sam: bà Chúa Xứ là nhân vật truyền thuyết được thờ tự ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Miếu Bà Chúa Xứ là một di tích nổi tiếng ở núi Sam. Người xưa kể rằng: ” một hôm dân địa phương vào núi đốn củi, tình cờ họ phát hiện tượng bà nằm ở giữa rừng, bèn về báo cho dân làng, sau đó dân làng đã cùng nhau đưa tượng về, lập miếu thờ”. Hàng năm nơi đây thu hút gần hàng triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung… tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu như Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu.
Búng Bình Thiên – Thánh đường hồi giáo: thánh đường Mubarak hiện tọa lạc tại ấp Châu Giang, xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây là thánh đường Hồi giáo lớn nhất của tỉnh, và là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Mohamet Amin, thánh đường Mubarak có kiến trúc mang nét đặc thù của đạo Hồi. Nhìn từ xa, ngôi thánh đường giống các kiểu kiến trúc cổ ở Ấn Ðộ, Ba Tư. Cổng chính hình vòng cung, trước là sân rộng. Trên nóc có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc có 4 tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao. Hai bên cửa chính của thánh đường có 4 vòm hình cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4 mét chia đều cho mỗi bên. Bên hông thánh đường, mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu.
Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng: Vĩnh Tràng là một trong số ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Nam Bộ và cổ nhất Tây Nam Bộ. Với vẻ đẹp tráng lệ của kiểu kiến trúc “cổ lầu” cùng khả năng tưởng tượng trong nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện dân gian và những đề tài tứ quý, tứ linh, hoa lá…đôc đáo, do nghệ nhân xứ Huế thực hiện năm 1933, đã làm biết bao nhiêu du khách phải ngạc nhiên, trầm trồ khen ngợi. Ban đầu chùa Vĩnh Tràng mới chỉ là một cái am nhỏ, mái lá vách đất, quang cảnh hoang vu, do ông bà Huyện Bùi Công Đạt làm quan dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840) tạo dựng. Sau khi hưu trí, ông bà về đây cất am để tu hành nên nhân dân trong vùng quen gọi là chùa ông Huyện. Sau đó, ông bà mời Đại sư Huệ Đăng về trụ trì chùa và dạy chữ nghĩa cho con. Năm 1849, hòa thượng Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì và khởi tạo xây chùa, ngoài việc lo kinh kệ. Ông đặt tên là chùa Vĩnh Tràng với ngụ ý ước cho chùa được “trường tồn tề thiên hạ”.
Chợ nổi – miệt vườn Cái Bè: Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp gianh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ Cái Bè diễn ra trên sông, ghe thuyền đi lại như mắc cửi. Chợ họp suốt ngày đêm trên một quy mô lớn, có đủ các ghe thuyền từ miệt vườn xa xôi về đây bán hàng và mua hàng. Chính vì vậy mà hàng hóa ở chợ rất phong phú và đa dạng, từ hàng vái, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Khu vực buôn bán trái cây nằm ở vàm chợ nổi, dọc theo cù lao Tân Long, dài tới cả cây số. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc khu chợ nổi đã nhộn nhịp như một thành phố nổi trên sông. Những chiếc xuồng nhỏ bán hàng rong như cơm, phở, hủ tiếu, đồ tạp hóa chạy luồn lách theo các mạn ghe, mạn tàu để bán hàng. Ngồi trên thuyền, du khách có thể thưởng thức ngay tô hủ tiếu nóng hổi, hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng…
Cù lao Thới Sơn: Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và đồng bằng Sông Cửu Long. Dọc theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu mát mẻ dễ chịu, nhiều dãy nhà thẳng tắp bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… những sản phẩm đặc thù của địa phương.
Trại rắn Đồng Tâm: Từ lâu, trại rắn Đồng Tâm trở thành điểm tham quan độc đáo, nằm trong tuyến du lịch Mỹ Tho – cù lao Thới Sơn – trại rắn Đồng Tâm. Tại đây, du khách tha hồ tận mắt ngắm nhìn, quan sát hàng trăm loại rắn khác nhau, từ những loài rắn hiền lành (rắn nước, rắn gáo…), đến các loài rắn độc (hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, hổ mai gầm…) và những động vật quí hiếm như trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu, công… Đây cũng được xem là bảo tàng về rắn đầu tiên ở Việt Nam, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Đến đây, du khách ngoài việc xem khu nuôi rắn, còn được xem cách cho rắn ăn, chơi với rắn…