Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn văn hiến là nơi không chỉ hấp dẫn du khách với nhiều phong cảnh đẹp, bề dày lịch sử mà nơi đây còn có rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng gắn liền với nền văn hóa Việt. Đến đây, du khách không chỉ tham quan mà còn là dịp để tìm hiểu về nét văn hoá truyền thống các làng nghề của dân tộc ta cũng như hiểu thêm về hành trình khó khăn của những nghệ nhân quyết giữ gìn, bảo tồn nghề của ông cha. Cùng Apro Travel khám phá những làng nghề truyền thống Hà Nội.
Làng nón Chuông
Du lịch Hà Nội – Xã hội ngày càng phát triển, chiếc nón lá cũng dần bị thay thế bởi những loại nón, mũ thời trang hơn. Tuy vậy, ở làng nón Chuông vẫn còn rất nhiều người mặn mà với nghề để ngày đêm miệt mài làm ra những chiếc nón làng Chuông nổi tiếng bền, đẹp, đa dạng.
Nếu đến thăm quan làng Chuông, bạn nên chọn vào những ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng vì khi đó trùng với phiên họp chợ nón của làng. Những phiên chợ này thường họp rất sớm từ 6h đến 8h, bán đầy đủ các nguyên liệu làm nón và các loại nón.
Để đi tới nón làng Chuông bạn đi theo đường Hà Đông, đi thẳng đến ngã 3 Ba La Bông Đỏ rẽ trái, đi thêm khoảng 18km dọc theo quốc lộ 21B sẽ thấy cổng làng.
Làng gốm Bát Tràng
Trải qua mấy trăm năm hưng thịnh của đất nước, giờ đây, làng gốm Bát Tràng vẫn là một trong những địa điểm quen thuộc nhất để tham quan cho những ai muốn khám phá thủ đô. Có rất nhiều phương tiện để đi tới Bát Tràng, bạn có thể đi phương tiện cá nhân: xe máy, ô tô hoặc đi xe bus công cộng. Khi tới làng gốm Bát Tràng, bạn không chỉ được tận mắt thấy quy trình làm gốm, ngắm nghía các sản phẩm tinh xảo, chất lượng, mà còn có thể tự tay làm một sản phẩm gốm.
Xem thêm : Tour du lịch Sapa | Du lịch Mai Châu
Làng thêu Quất Động
Làng thêu Quất Động là một trong những làng nghề lâu đời ở Việt Nam. Nơi đây là nơi tạo ra những bức tranh thêu thủ công cầu kì, mang đậm bản sắc văn hóa người Việt. Với bề dày lịch sử, những sản phẩm thêu ở đây ngày càng đa dạng, phong phú, màu sắc, công nghệ thêu cũng ngày càng được hoàn thiện. Khi tới đây bạn có thể xin phép từng gia đình vào xem cách tạo ra một bức tranh thêu thủ công và mua một vài bức tranh thêu thật đẹp làm quà lưu niệm.
Để đi tới làng thêu Quất Động, từ trung tâm Hà Nội bạn đi theo đường Giải Phóng tới thẳng nhà máy Coca Cola Ngọc Hồi sẽ thấy biển chỉ dẫn đi tiếp bên đường.
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
Những chú chuồn chuồn tre không phải là món đồ chơi hiện đại, đắt đỏ nhưng lại luôn hấp dẫn nhiều người, đặc biệt là du khách nước ngoài bởi màu sắc bắt mắt và có thể đứng cân bằng chỉ với đầu nhỏ. Ở miền Bắc có một số nơi làm chuồn chuồn tre nhưng đẹp và tốt nhất vẫn là những chú chuồn chuồn tre làm ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.
Làng nghề chuồn chuồn tre này nằm ngay dưới chân núi Tây Phương, nơi tọa lạc của chùa Tây Phương. Phần lớn những chú chuồn chuồn tre sau khi làm ra được bày bán trong những cửa hàng lưu niệm dưới chân chùa. Mỗi chú chuồn chuồn tre chỉ có giá 3k – 10k cho từng loại kích cỡ khác nhau. Với mức giá này bạn có thể mua thật nhiều chuồn chuồn tre được làm thủ công, bắt mắt về làm quà lưu niệm cho bạn bè khi đến thăm quan chùa và làng nghề.
Làng sơn mài Hạ Thái
Làng nghề truyền thống này mặc dù tồn tại đã lâu nhưng không có nhiều người Hà Nội biết đến. Chỉ cần đi dọc theo đường giải Phóng qua thị trấn Văn Điển, đi thêm 3km nữa bạn sẽ thấy ngay biển chỉ dẫn tới xã Hạ Thái, rẽ qua hầm chui đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là bạn sẽ đến nơi sản sinh ra những tác phẩm sơn mài chất lượng, tinh xảo.
Ngoài những bức tranh sơn mài quen thuộc, bạn còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài thủ công trên bát, đĩa, lọ hoa, đũa và nhiều vật dụng trang trí khác. Quá trình làm nên một tác phẩm sơn mài đẹp, chất lượng cần trải qua nhiều công đoạn như: tạo cốt để phủ sơn mài, vẽ, phủ sơn và phơi khô… Khi tới đây thăm quan, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến từng bước để làm ra tác phẩm sơn mài tuyệt đẹp đó và chọn cho mình một tác phẩm tuyệt đẹp, chính gốc về trang trí trong nhà.
Làng rối nước Đào Thục
Những nghệ nhân làng rối nước Đào Thục coi việc tạo ra những con rối nước như đam mê, cuộc sống của chính bản thân mình, bởi vậy, dù ngày nay nghệ thuật múa rối nước không còn hưng thịnh nhưng những con người nơi đây vẫn quyết gắn bó với nghề. Đặc biệt, phường múa rối Đào Thục ngày nay vẫn duy trì một đội gần 20 người cùng đầy đủ dụng cụ như sáo, nhị, trống, thanh la, tù và…, vào những dịp lễ, màn trình diễn múa rối nước sẽ được diễn ra tại thủy đình để mọi người cùng thưởng thức.
Lộ trình để đi đến làng rối nước Đào Thục dành cho những ai muốn khám phá làng nghề này đó là: đi qua cầu Đuống rẽ trái, đi theo quốc lộ 3 gần 30km đến Phủ Lỗ thì rẽ phải, đi dọc triền đê sông Cà Lồi đến thôn Đào Thục.
Trên đây là bài viết chia sẻ những làng nghề truyền thống quanh Hà Nội. Hy vọng qua bài viết này quý du khách sẽ có được thêm nhiều địa điểm vui chơi, khám phá khi đến với thủ đô hà nội.